Dinh Thầy Thím

130 Năm Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím tồn tại cách đây 130 năm – là di tích có giá trị nhiều mặt: Văn hoá, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. Song, vượt lên những công trình hiện hữu ấy là những giá trị văn hoá phi vật thể.
            Đó là đạo đức lối sống nhân ái, đạo nghĩa của vị Thần được thờ, mà bao năm qua đã trở thành biểu hiện văn hoá, cách ứng xử của người làng Tam Tân giàu lòng yêu nước và của đông đảo đồng bào chúng ta.
lễ hội dinh thầy thím

lễ hội dinh thầy thím


 
 
Dinh và sự tích Thầy Thím là một tài sản vô giá của làng Tam Tân. Tài sản đó không phải bỗng dưng có, mà nó được tạo dựng từ rất nhiều đời. Không phải được tạo dựng một cách đơn giản mà là quá trình lâu dài mang tính lịch sử, với sự đóng góp biết bao tình cảm và công sức của nhiều thế hệ. 
Để hiểu đúng giá trị đằng sau những công trình mang tính lịch sử, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu cuốn sách “Dinh Thầy Thím – 130 năm hình thành & phát triển”.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng những thiếu sót trong quá trình biên soạn là không thể tránh được. Chúng tôi hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc, chúng tôi sẽ sửa chữa, bổ sung ngày một hoàn chỉnh hơn.
dinh thầy thím
SỰ TÍCH DINH THẦY THÍM 
Theo truyền thuyết: Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ  giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.
Thầy sinh vào những năm đầu của thời Gia Long, thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời, ước muốn thoả chí tung hoành ngang dọc. Việc lớn chưa thành, danh chưa toại thì Thầy gặp đại tang, Cha, Mẹ cùng lúc qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ là người cùng phủ chịu tang Cha, Mẹ, sống những ngày tháng kham khổ. Làng quê Thầy – Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nổi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành.
Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một mái đình khang trang để thờ phụng thần hoàng như ngôi đình to lớn nhưng thiếu người thờ phụng ở ngôi làng bên. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ. Quả nhiên khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới toạ lạc ngay giữa làng, ngôi đình dột nát trước đây đã không còn nữa. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng. Niềm vui ấy chưa được bao lâu, thì làng bên kia trống giục liên hồi, cấp báo về Triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn.

dinh thầy thím

Thế là nhà Vua nghiêm trị Thầy ở mức cao nhất. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, nhà Vua gia ân cho Thầy được chọn trong ba tội hình: xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Thầy múa xong một bài cũng là lúc lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bỗng lên không trung trước nổi kinh ngạc của quan lại và dân làng. Khi bay qua quê mình, Thím còn làm rơi xuống một chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương Nam…
Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp. Lúc đầu, Thầy – Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai. Ngày ngày làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người.  Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” (gieo đậu thành binh lính). Một hôm nhân lúc Thầy vội vã vào rừng mà quên đem theo chiếc bầu , chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai và để tránh sự chú ý của nhiều người, Thầy Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái.

Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng, Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy  được một người giúp việc của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng là nỗi nơm nớp  lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.
Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế. Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.
Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế. Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời Vua Thành Thái năm thứ 18, nhà Vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.
mộ dinh thầy thím

mộ dinh thầy thím

Sự tích Thầy – Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục. Sự tích còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy – Thím. Sau những câu chuyện thần thoại ấy, ta có thể tiếp cận được ý nghĩa và giá trị đích thực, nhằm đề cao lẽ phải, sự công bằng và chuẩn mực của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ, giữ gìn nét thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc.
Ngày nay, khi đến tham quan quần thể di tích Dinh Thầy – Thím, chúng ta còn gặp nhiều di tích gắn liền với truyền thuyết ấy như: Gốc cây Thầy ngồi đẽo thuyền, đường lướt ván, bốn ngôi mộ bằng cát trắng phau, tượng đôi Bạch – Hắc Hổ ngồi chầu.
Mỗi năm, Dinh Thầy – Thím có hai ngày lễ lớn: Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng năm tháng giêng âm lịch) và Lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14 – 16 tháng 9 âm lịch). Khói hương nghi ngút, tiếng chuông trầm bỗng như đưa du khách vào sâu thẳm của thế giới tâm linh. Lễ hội có nhiều trò vui cuốn hút mọi  người như: chèo bã trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, … tạo nên tâm thế ngày hội vô cùng sôi động. Xin lộc Thầy, phóng sanh thả chim về rừng, cùng làm công tác từ thiện,… Âu cũng là cách thế tạo dựng niềm tin, tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
 
DINH THẦY THÍM – 130 NĂM HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
 
Sự tích Thầy Thím có tự lâu đời và không ngừng bồi đắp trong suốt quá trình hình thành và phát triển Dinh Thầy Thím. Song, lịch sử Dinh Thầy Thím thể hiện bằng công trình cụ thể, bằng hoạt động của Ban quản lý thì có cách đây hơn 130 năm. Đó là lịch sử gắn với sự thăng trầm của đất nước, có thể chia thành 03 giai đoạn lớn như sau:
+ Khai phá vùng đất và tạo dựng nơi thờ tự.
+ Dinh Thầy Thím trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
+ Dinh Thầy Thím phát triển di tích, lễ hội sau chiến tranh.
 
KHAI PHÁ VÙNG ĐẤT VÀ TẠO DỰNG NƠI THỜ TỰ
 
Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân, thị xã La Gi, nằm ở phíaNam của tỉnh Bình Thuận. Nếu như 300 năm trước, người Việt từ các tỉnh phía Bắc Trung Bộ đã xây dựng cơ nghiệp trên đất Bình Thuận, thì vùng Tam Tân vẫn chưa được biết đến. Có lẽ, phải nửa thế kỷ sau đó, người Việt mới đến khai phá trên đất này. Dù vậy, làng Tam Tân (gồm hai xã Tân Tiến và Tân Hải bây giờ) là một làng hình thành khá sớm của thị xã La Gi. Con sông Phan bắt nguồn từ núi rừng Tánh Linh chảy qua phía Bắc làng là con sông hiền hoà, tạo nên những cánh đồng màu mỡ và một cửa biển thuận lợi cho đánh bắt hải sản, giao lưu, buôn bán.
Qua truyền thuyết của làng, có thể thấy người Tam Tân giỏi đóng ghe, khai thác lâm sản và thường xuyên giao lưu với bên ngoài. Chính nhờ vị trí thuận lợi, làng Tam Tân trở thành nơi tiếp nhận nhiều nhóm di dân đến đây lập nghiệp. Ngoài những nhóm lưu dân đầu tiên tiếp quản nơi đây từ các tỉnh phía Bắc và vùng Nam – Ngãi – Bình – Phú, thì cách đây khoảng 140 năm, làng Tam Tân còn tiếp nhận nhóm di dân lớn thứ hai. Đó là nghĩa quân Trương Định, sĩ phu yêu nước và dân ở miền lục tỉnh Nam kỳ chọn Bình Thuận làm nơi “Tỵ địa” khi nhà Nguyễn dâng hai đầu đất nước cho thực dân Pháp (Trung kỳ được gọi là xứ bảo hộ).
Như vậy, về đặc điểm dân cư, làng Tam Tân được hình thành từ cuối các đời chúa Nguyễn (khoảng giữa thế kỷ 18) và cuối triều Nguyễn (1867), với hai nhóm di dân lớn đến từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam Bình Thuận. Do vậy, người Tam Tân vừa có chất cần cù của người miền Trung vừa có nét phóng khoáng của dân Nam bộ.
Vạn sự khởi đầu nan, thiên nhiên nơi đây đủ điều kiện để phát triển lâu dài. Song trước mắt, những chủ nhân mới của vùng đất này phải đối diện với nhiều vấn nạn: bệnh tật và thú dữ. Hơn nữa, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là rừng già thâm u, tĩnh mịch, con người như càng nhỏ bé hơn trước thiên nhiên bao la. Trong bối cảnh đó, tìm chỗ dựa tinh thần ở đấng siêu nhiên là điều tất yếu. Đối với những người đi mở đất, xây dựng nơi thờ tự là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Nó khẳng định sự tồn tại, tạo dựng thế đứng, gắn bó cộng đồng dân tộc vào càn khôn vũ trụ, nếu không thì mãi mãi chỉ là một dạng “lưu dân tập thể”. Và, vị thần của làng phải là người có những đặc điểm giống cư dân ở đây: phải là dân di cư tự do, là người nghĩa khí rộng lượng, và trên hết là biết chữa bệnh cứu ngươì, diệt trừ muôn thú. Với điều kiện đó, Thầy Thím là hai nhân vật huyền thoại đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hình tượng Thầy Thím mau chóng chiếm trọn tình cảm của dân làng và rộng hơn thế nữa. Đó cũng là lý do giải thích tại sao Thầy Thím không phải thành hoàng (vị thần cai quản trong một làng) nhưng được xem như thành hoàng của làng. Sự tôn vinh ngang thành hoàng là đền đáp công ơn của Thầy Thím đối với nhân dân, bởi trong tâm thức, mọi việc thành công đều có sự trợ giúp của Thầy Thím.
Tôn kính và thờ phụng Thầy Thím là hoạt động văn hoá xuyên xuốt của làng Tam Tân. Nhìn vào sự phát triển của Dinh Thầy Thím cũng có thể nhận thấy sự hưng thịnh của làng Tam Tân.
Dinh Thầy Thím khởi đầu được xây dựng bằng tranh tre vách đất, phù hợp năng lực của làng Tam Tân lúc bấy giờ. Theo quan niệm người xưa, dinh – đình không đặt nơi hẻo lánh như chùa, song cũng không được gần chợ và gần dân cư. Do vậy, lúc đầu Dinh Thầy Thím được xây dựng ở trong khu rừng Bàu Cái. Tuy ở xa dân làng, nhưng ngôi Dinh đơn sơ ấy, nằm giữa rừng cây bao la mênh mông màu xanh, lúc nào cũng có người hương khói.
Lần hồi cuộc sống khá hơn, người dân không ngừng vun đắp nơi sinh hoạt tinh thần của mình. Các tài liệu vật thể còn lưu lại di tích cho thấy xây dựng Dinh Thầy Thím là quá trình của nhiều thế hệ. Trong giai đoạn đầu, có thể kể đến hai lần xây dựng lớn. Lần đầu là xây dựng chánh điện vào cuối năm 1879 (năm Tự Đức thứ 32). Nhìn kiểu dáng tứ trụ được chọn lựa kỹ càng từ các danh mộc có trong rừng, được trau chuốt công phu của những tay nghề xứ Quảng, sẽ hiểu được sự lao động cật lực của các bậc tiền nhân.
Lần xây dựng thứ hai cách lần trước gần nửa thế kỷ (1924 – năm Khải Định thứ 9). Đây là lần tu bổ lớn với nhiều hạng mục: nhà võ ca, nhà tiền hiền, công trình phụ, cùng với hàng chục hoành phi, câu đối cổ, hương án, … Những công trình mới đã làm cho Dinh Thầy Thím mang dáng dấp kiến trúc cung đình, uy nghi và bề thế.
Như vậy, đến cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Tam Tân có lịch sử khoảng 250 năm và Dinh Thầy Thím được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh được 7 thập kỷ, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá – tinh thần, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng Tam Tân.
 
DINH THẦY THÍM TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN.
 
Làng Tam Tân nơi có Dinh Thầy Thím đựơc xem là vùng đất tụ nghĩa. Đó là chốn mai phục của phong trào “Tỵ địa”, nơi dừng chân của một số người trong phong trào Cần Vương, Đông Du ở các tỉnh phía Bắc vào đây tìm cơ hội, nơi ẩn trú của những người tù vượt ngục. Điều đó lý giải tại sao Tam Tân là nơi có Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, nơi giành chính quyền đầu tiên của thị xã La Gi. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, trong hai cuộc kháng chiến, mảnh đất Tam Tân trở thành địa bàn, căn cứ quan trọng của cách mạng. Người dân kiên trung đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Trong trang sử đó, có nhiều nét son đáng chú ý.
Tháng 9/1945, Pháp tái chiếm nước ta. Năm 1946 ở Bình Thuận Pháp đã chiếm giữ các nơi trọng yếu, đầu năm 1947 chúng thực hiện âm mưu củng cố các vùng chiếm đóng. Dinh Thầy Thím là điểm chú ý trong kế hoạch của chúng. Do vị thế toạ lạc giữa một khu rừng già, nằm trong vùng căn cứ cách mạng, nên Dinh Thầy Thím trở thành cơ sở quan trọng cung cấp lương thực và thuốc men cho cách mạng. Đánh hơi được vai trò thiết thực của Dinh không những gắn với đời sống tín ngưỡng của nhân dân mà chủ yếu là phục vụ cho Việt Minh, nên Pháp có ý đồ lấy Dinh làm chỗ khống chế và cắt đứt liên lạc giữa nhân dân và Việt Minh. Trước tình hình đó, để đối phó với âm mưu của địch và góp phần phục vụ kháng chiến, nhân dân đã tháo gỡ các bộ phận kiến trúc chính của chính điện, võ ca, nhà tiền hiền theo chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”. Ngôi thờ tự mái ngói rêu phong, trong giờ phút quyết định, người Tam Tân không ngần ngại tháo dỡ nơi thiêng liêng nhất của làng tiêu thổ, theo cách mạng kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Pháp, dân làng Tam Tân không những đẩy lùi tất cả các cuộc tiến công của địch, mà còn kiên cường xây dựng thành công căn cứ cách mạng. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của mãnh đất bị bao vây tứ bề, người Tam Tân không tiếc sức người, sức của ủng hộ kháng chiến. Nhân dân tự nguyện đóng góp được 11 lượng vàng, 30.000kg gạo, để hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng. Đặc biệt trong năm 1947, hưởng ứng “Tuần lễ đồng”, nhân dân đã tự nguyện mang những vật dụng bằng đồng góp cho cách mạng đúc vũ khí. Chỉ sau vài ngày phát động, người Tam Tân đã ủng hộ 300kg đồng, trong đó có những cổ vật quý giá từ Dinh Thầy Thím. Đó là những lý do vì sao nguồn di tích động sản bằng đồng của Dinh Thầy Thím hiếm hơn so với những di tích khác. Song, nhân dân làng Tam Tân và  Dinh Thầy Thím có quyền tự hào về biểu hiện thiết thực lòng yêu nước của mình.
Kháng chiến thành công, trong muôn vàn khó khăn gian khổ, công việc lúc này là phải nhanh chóng xây dựng lại Dinh Thầy Thím. Nhiều vật dụng thất lạc, hư hỏng trong chiến tranh, các nguyên vật liệu ở địa phương không có sẵn… Bằng quyết tâm cao nhất, trong hai năm 1954 – 1955, Dinh Thầy Thím tập trung tài lực, vật lực của cả làng để tu bổ nhà võ ca, tiền hiền, chánh điện… Nhờ vậy, Dinh Thầy Thím càng khang trang hơn, các yếu tố nguyên gốc của di tích vẫn được bảo tồn cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng.
Tưởng rằng người Tam Tân sẽ có thời gian xây dựng quê hương, xây dựng Dinh Thầy Thím ngày càng bề thế hơn, nhưng kẻ thù không cho họ làm điều đó. Từ căn cứ kháng chiến, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã biến Tam Tân thành trung tâm của quận lị mới. Chúng dùng lực lượng quân sự, công an, mật vụ thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Trong đêm tối, lòng dân vẫn hướng về cách mạng. Dinh Thầy Thím trở thành nơi họp bàn việc lớn của những người yêu nước. Thông qua những lần cúng Dinh, ngày rằm và thường nhật, cán bộ cách mạng bí mật tiếp xúc và vận động nhân dân tiếp tục tham gia kháng chiến. Những người dân kiên trung dưới danh nghĩa đem gạo vào cúng cho Dinh, nhưng thực chất là để chuyển cho lực lượng cách mạng ở những khu rừng quanh đó.
Điều đặc biệt là trong giai đoạn này, việc tham gia các kỳ lễ hội không chỉ có dân riêng làng Tam Tân mà thu hút nhân dân trong cả thị xã La Gi và một số tỉnh lân cận. Quy mô lễ hội ngày càng lớn, uy danh của Thầy Thím càng lan xa, điều đó đồng nghĩa với việc ủng hộ cách mạng càng nhiều. Cũng như bọn thực dân trước đó, chính quyền tay sai Mỹ – Nguỵ luôn tìm cách huỷ hoại Dinh Thầy Thím. Dùng vũ lực là điều chúng không thể làm, ngăn cản lòng dân là điều chúng không có khả năng, cách duy nhất là lập một Dinh Thầy Thím khác để cô lập Dinh Thầy Thím hiện nay đang ở giữa rừng. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, chúng cho dựng một Dinh Thầy Thím ở gần đồn Quân cảnh, cạnh sân vận động (Phường Tân Thiện, thị xã La Gi ngày nay). Đây quả là một đòn thâm độc của kẻ thù nhằm chuyển một số sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của nhân dân về trung tâm Tỉnh Bình Tuy (tỉnh cũ của huyện Hàm Tân dưới chế độ nguỵ quyền) cho dễ bề quản lý.
Từ đây, hội viên Dinh Thầy Thím có thêm một nhiệm vụ mới nữa là chống lại các luận điệu xuyên tạc, giải thích cho nhân dân trong làng và khách thập phương biết âm mưu của kẻ thù, nhằm biến Dinh Thầy Thím thành nơi hoang phế. Nhờ thế, Dinh Thầy Thím dù ở nơi hẻo lánh xa xôi, các kỳ lễ tế vẫn chật kín người, và từ đây Dinh Thầy Thím vẫn tiếp tục có điều kiện tiếp tế cho cách mạng.
30 năm, hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Dinh Thầy Thím lập nên nhiều kỳ tích, thật hiếm hoi nơi nào trên cả nước, người dân dỡ cả đình làng tiêu thổ kháng chiến. Vì Tổ quốc họ không tiếc đến những di vật thiêng liêng của một làng. Trong điều kiện bị bao vây, cô lập họ vẫn kiên trung, phá vỡ thế trận kẻ thù đã giăng cho họ, tiếp tục tu bổ ngôi thờ tự của mình. Và, cao cả hơn, luôn tìm mọi cách để hướng về cách mạng. Điều đáng trân trọng là từ năm 1945 – 1975, dù thời thế thay đổi, chiến tranh tàn phá, khó khăn muôn vàn nhưng làng Tam Tân chưa bao giờ bỏ một kỳ tế thu nào của Thầy Thím. Trong những lúc khó khăn nhất không thể tổ chức lễ hội một cách quy mô, thì từng hội viên của Dinh Thầy Thím vẫn tự nấu nướng chuẩn bị lễ vật ở mỗi gia đình, rồi đến giờ họ rủ nhau gánh vào Dinh cúng kính rất nghiêm túc.
Như vậy, giai đoạn thứ hai của Dinh Thầy Thím kéo dài chỉ 30 năm, nhưng đây là giai đoạn thăng trầm. Nếu không có một tập thể Ban quản lý giỏi, tập thể hội viên kiên cường, thì Dinh Thầy Thím có thể bị san bằng trong thời Pháp chiếm đóng hoặc hoang phế dưới thời Mỹ nguỵ. Với tình cảm yêu nước nồng nàn, lòng thành kính dành cho Thầy Thím, các thế hệ tiếp tục có sự đóng góp để Dinh Thầy Thím bảo tồn được kiến trúc các bậc tiền bối để lại, phát triển lễ hội lên một tầm cao mới, một phạm vi rộng lớn nhất mà trong điều kiện lúc đó có thể làm được.
 
DINH THẦY THÍM SAU CHIẾN TRANH.
 
Trong chiến tranh, tuy Dinh Thầy Thím giữ gìn được các công trình của mình, nhưng sau ngày giải phóng (1975) thì các công trình kiến trúc trong quần thể di tích cũng có tuổi thọ một thế kỷ và ít nhất cũng trên 50 năm. Cùng với tác động của thời gian, chiến tranh, nhiều hạng mục cũng xuống cấp. Đời sống của đại bộ phận nhân dân còn rất khó khăn. Nạn phá rừng không chừa cả những cây cổ thụ xung quanh khu vực Dinh. Cánh rừng dầu, rừng tràm bát ngát một màu xanh, tô điểm cho vẽ đẹp di tích đã biến mất, đêm đêm nghe tiếng cây đổ rầm rầm, những người yêu khung cảnh di tích không khỏi xót xa. Ban quản lý lúc này đứng trước những khó khăn chồng chất.
Việc làm đầu tiên của Ban quản lý là củng cố về mặt tổ chức và phát triển hội viên nhằm tập trung sức người cho di tích. Tất cả hội viên được sắp xếp theo từng Chi hội theo địa bàn cư trú, sinh hoạt thường xuyên và chặt chẽ theo một nội quy thống nhất. Nhờ vậy, với hơn một trăm hội viên làm nòng cốt, Ban quản lý di tích đã huy động tiềm lực của cả làng sửa sang lại Dinh Thầy Thím. Ngoài ra, Ban quản lý còn tập trung phát triển mạnh lực lượng hội viên “Tán trợ” là những mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để đóng góp xây dựng di tích. Các mạnh thường quân đáng chú ý trong giai đoạn này có Bà Bảy Ngà, một Việt kiều ở Pháp thường về Việt Nam sinh sống. Dành trọn đức tin ở Thầy Thím và yêu mến khung cảnh nơi đây, Bà Bảy Ngà đã tài trợ hàng trăm triệu đồng tôn tạo di tích. Trong điều kiện khó khăn lúc đó, nghĩa cử của những hội viên như Bà Bảy Ngà, ông Nguyễn Văn Mến,… thật đáng trân trọng.
Đến năm 1988, các hạng mục xuống cấp cơ bản khắc phục xong. Tường rào bao quanh Dinh, chu vi 1.000m cũng được xây dựng. Đây cũng là vòng đai xác định khu vực I của di tích. Riêng nóc chính điện được cách điệu thành một cổ lầu để đẩy khói hương mù mịt trong những ngày lễ hội ra ngoài. Tuy vậy, phần thượng lương và những thành phần nguyên gốc của di tích vẫn được giữ nguyên. Khu mộ Dinh Thầy Thím nằm cách khoảng 3km cũng được xây dựng Miếu thờ và vòng thành bảo vệ 04 ngôi mộ của Thầy Thím và hai đệ tử. Điều đặc biệt, Ban quản lý di tích đã biết hướng đến việc xây dựng, mở rộng các công trình. Lần đầu tiên các công trình phục vụ du khách tham quan được đầu tư xây dựng (nhà nghỉ, nhà vệ sinh, …) đã giữ chân khách hành hương được lâu hơn. Qua đó, tiềm năng, giá trị của Dinh Thầy Thím được khai thác và phát huy.
Bằng những nổ lực của mình, Dinh Thầy Thím dần dần được khôi phục và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, thu hút đông đảo du khách gần xa. Nếu khởi thủy chỉ có dân trong làng, thời kỳ chống Mỹ có thêm nhân dân một vài tỉnh lân cận, thì đến giai đoạn này, lễ hội Dinh Thầy Thím đã có hàng chục vạn người từ khắp các tỉnh thành phía Nam về đây dự hội. Con số đã nói lên quy mô của một lễ hội. Sách “Từ điển lễ hội Việt Nam” do tác giả Bùi Thiết được ấn hành năm 1991, đã xếp lễ hội Dinh Thầy Thím vào hàng lễ hội đặc sắc của phía Nam đất nước.
Từ lễ hội nhỏ của làng trở thành lễ hội lớn của khu vực, từ lực lượng hội viên chủ yếu là người làng đến những hội viên trong và ngoài tỉnh, từ Dinh Thầy Thím xuống cấp trầm trọng sau chiến tranh đến một di tích được bảo tồn chu đáo là cả một quá trình. Quá trình đó diễn ra hơn 10 năm, song nó đã thể hiện được một định hướng lâu dài của sự phát triển di tích, thể hiện tư duy đổi mới của những người kế tục. Những đổi thay trong giai đoạn này gắn với tên tuổi của những người lãnh đạo Hội Tam quý, Ban trị sự, Ban quản lý Dinh Thầy Thím qua các thời kỳ.
Những năm 90 của thế kỷ trước, tuy đã phát triển mạnh mẽ, nhưng hoạt động của Dinh Thầy Thím vẫn thiếu một cơ sở pháp lý đó là việc công nhận đây là di tích. Để làm được việc này quả không đơn giản chút nào, vì phần lớn các tư liệu, hiện vật đều thất thoát trong chiến tranh, nhận thức của một số hội viên chưa đúng đắn. Song, bằng quyết tâm và tầm nhìn, những người đứng đầu Ban quản lý đầu tư cho công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học. Năm 1993, Bảo tàng Bình Thuận và Sở Văn hoá Thông tin căn cứ vào những giá trị vốn có của di tích đã tiến hành khảo sát nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm kê di tích phổ thông, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định bảo vệ. Kèm theo quyết định là hồ sơ di tích bao gồm biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích do chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh phê duyệt.
Đó là cơ sở pháp lý bảo vệ di tích có giá trị nhất từ xưa đến nay, đồng thời, những việc làm trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến việc giữ gìn, bảo vệ những di sản văn hoá dân tộc. Đó cũng là nền tảng để tháng 9/1997, Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia. Trên cơ sở pháp lý đã được duyệt, Dinh Thầy Thím hiện nay đang lập hồ sơ để mở rộng Dinh Thầy Thím trên 10ha, đáp ứng khả năng du lịch, xây dựng các công trình phụ gắn với việc bảo vệ khu rừng đang có nguy cơ tàn phá hiện nay.
Cùng với việc củng cố cơ sở pháp lý, làm phong phú lễ hội được Ban quản lý quan tâm. Do điều kiện chiến tranh, lễ hội không được tổ chức thường xuyên, nên nhiều sinh hoạt dân gian đã bị mai một. Bên cạnh đó, xây dựng các lễ hội luôn luôn mới mẽ, hấp dẫn, là đòi hỏi chính đáng từ công chúng phải được đáp ứng. Lễ hội trước đây thường  đơn điệu, thì hiện nay lễ hội đã mang màu sắc hiện đại, nhưng vẫn không mất đi nét cổ truyền. Có nhiều ho&đt động thú vị diễn ra trong suốt 03 ngày như: Nghinh thần bằng xe hoa đi khắp làng, thi làm cổ, thi xe hoa, diễn lại tích Thầy, thả chim, diễn xướng,…
Song song với việc đầu tư các hoạt động trên, Ban quản lý Dinh Thầy Thím còn tiết kiệm chi để đầu tư hàng loạt công trình như: đường điện thắp sáng, đảo ngói võ ca, chánh điện, tiền hiền và xây dựng lại nhà hậu hiền, miếu thờ Bạch – Hắc Hổ,… Chỉ trong vòng 15 năm, từ năm 1990 đến nay, Dinh Thầy Thím đã đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp, quy hoạch toàn bộ di tích, giá trị hơn 100 năm trước cộng lại. Không chỉ đầu tư trong khuôn viên của mình, Dinh Thầy Thím còn đầu tư các hạng mục quan trọng để phát triển di tích. Nếu như trước đây muốn vào Dinh Thầy Thím phải lội bộ qua những quảng đường rừng, lầy, cát hoặc phương tiện duy nhất là xe bò, thì hiện nay đã có bến xe và đường nhựa chạy vào di tích.
Các phương án bảo vệ, quản lý và sử dụng di tích được đặt ra và thay đổi kịp thời với yêu cầu phát triển văn hoá, kinh tế của địa phương. Hiện nay, Dinh Thầy Thím là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Tất nhiên không chỉ có Dinh mà còn kết hợp với các thắng cảnh xung quanh, giữa núi rừng và bờ biển, tạo thế liên hoàn các tuyến du lịch, thu hút khách từ nhiều nơi về đây thưởng ngoạn. Từ khi Dinh Thầy Thím được xây dựng, lúc đầu quản lý, bảo vệ là sự tự nguyện của dân làng, nhưng càng về sau, việc quản lý, bảo vệ đó đã vượt quá khả năng của một làng. Hiện nay, Dinh Thầy Thím đã có Ban quản lý di tích (trước đây là Ban trị sự), Ban này do cuộc họp của hội viên bỏ phiếu tín nhiệm, UBND thị xã ra quyết định công nhận. Ban quản lý đầu tiên được chính quyền cấp thị (huyện Hàm Tân cũ)  công nhận vào năm 1995, do ông Nguyễn Hữu Lê làm Trưởng ban.
Như vậy, sau chiến tranh, cùng với cả nước, dân làng Tam Tân vượt qua muôn vàn khó khăn, tiếp tục xây dựng quê hương, tôn tạo di tích. Họ là những người kế tục xứng đáng với các bậc “Tiền hiền khai khẩn”. Không chỉ là “Hậu hiền khai cơ” mà họ còn có những việc làm sáng tạo, đưa di tích Thầy Thím lên một tầm cao mới.
Kết luận: Trong quá trình phát triển hơn 130 năm của Dinh Thầy Thím là quá trình phát triển không ngừng. Đó là quá trình khẳng định niềm tin, đồng thời với việc xây dựng cơ sở vật chất để xứng đáng là một lễ hội lớn của khu vực phía Nam, xứng đáng là di tích cấp Quốc gia. Trong ba giai đoạn phát triển đó, có ba mốc son đáng chú ý sau:
+ Các bậc tiền nhân chuyễn Dinh Thầy Thím từ tranh tre vách đất sang gỗ, ngói. Giai đoạn này, trân trọng ghi nhận công lao đóng góp của vợ chồng ông Nguyễn Nhiều (ông Bộ) và các bậc tiền bối.
+ Lập hồ sơ công nhận di tích Dinh Thầy Thím là di tích cấp Quốc gia, từ đây tạo cơ sở pháp lý để Dinh Thầy Thím phát triển toàn diện. Thành quả trong giai đoạn này gắn với sự nổ lực của ông Nguyễn Hữu Lê, Nguyễn Văn Mười, Văn Công Sơn, Nguyễn Hữu Quý, Triệu Nguyễn Lực và tập thể thành viên Ban quản lý…
+ Mở rộng Dinh Thầy Thím, quy hoạch tổng thể một cách khoa học, mở rộng Dinh Thầy Thím đủ đất phát triển lâu dài, tổ chức lễ hội hoành tráng, phong phú, quảng bá hình ảnh Dinh Thầy Thím trên phạm vi Toàn quốc và ra nước ngoài. Thời kỳ này, phải kể đến và trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các ông Văn Công Sơn, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Xinh cùng tập thể Ban Quản lý và các Ban Chi hội.
Ba thế kỷ, bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau đổ mồ hôi và cả máu của mình để khai phá một vùng đất, để tạo lập nên Dinh Thầy Thím, tạo dựng một thế đứng riêng cho mình. Lịch sử đó có lúc thăng trầm, nhưng người Tam Tân có quyền tự hào về những gì mình đã làm cho quê hương và bảo vệ, phát triển nơi thiêng liêng nhất của làng mình, đó là Dinh Thầy Thím.
Làng Tam Tân nay là xã Tân Tiến,
Thị xã La Gi, Tỉnh Bình Thuận.
NÉT ĐẸP QUẦN THỂ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT DINH THẦY THÍM
 
Toạ lạc giữa một khu rừng trầm mặc, yên tĩnh cách biệt với cuộc sống đời thường, Dinh Thầy Thím càng trở nên lắng đọng, tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Kiểu dáng kiến trúc và và những hoạ tiết trang trí nghệ thuật ở ngoại thất cũng như cách bài trí, thờ phụng ở nội thất thể hiện rõ tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt là nội dung sự tích Dinh Thầy Thím, nội dung tôn thờ và các hình thức sinh hoạt, lễ hội dân gian hàng năm tại Dinh gắn với tập quán, tín ngưỡng và đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.
Dinh Thầy Thím một trong ba cụm di tích danh thắng và có thế mạnh trên lĩnh vực văn hoá du lịch và an dưỡng của Tỉnh Bình Thuận (ở phía bắc có chùa Cổ Thạch và đình Bình An, ở trung tâm có Lầu Ông Hoàng và chùa núi Tà Cú). Trong đó, Dinh Thầy Thím là nơi thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách các tỉnh miền Trung và Nam bộ đến thăm viếng, an dưỡng.
Đường vào Dinh Thầy Thím xa xôi, vất vả nhưng du khách sẽ quên đi mệt nhọc trước khung cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình của một vùng quê miền duyên hải. Du khách như bị cuốn hút vào những cánh đồng xanh, những dãi rừng xanh ngát vươn lên trên những động cát trắng phau và bên tai vọng tiếng sóng vỗ rì rào như mời gọi của biển. Những âm sắc ngọt ngào của đồng quê, núi rừng và biển cả như nâng gót du khách đến Dinh.
Quần thể kiến trúc của Dinh được bao bọc bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m như tôn thêm vẻ trang nghiêm của Di tích. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu. Cũng như các công trình kiến trúc tôn giáo khác ở Bình Thuận, Dinh Thầy Thím trước kia được xây dựng bề thế, trang nghiêm bằng những nguyên vật liệu cổ truyền sẵn có tại địa phương. Trong kiến trúc, gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi, cát, mật đường, nhựa cây, mái lợp ngói âm dương cổ, nền lát gạch Bát tràng.
Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, gồm có: Cổng chính, Võ ca, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy – Thím và một số công trình phụ cận. Nét tương đồng mang tính chất đặc biệt trong kiến trúc của Dinh là toàn bộ các công trình chính như Chánh điện, Võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ XVIII – XIX. Điểm độc đáo mang sắc thái riêng của Dinh là kiểu dáng “tứ trụ” (4 cột chính ở trung tâm nhà) được trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, ở đây toàn bộ chân đế của các cột chính được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Nét kiến trúc này là một trường hợp hiếm hoi và lý thú trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.
1. Chính điện: Nằm ở vị trí trung tâm, đây là công trình kiến trúc bề thế, tôn nghiêm so với các công trình khác trong quần thể di tích. Chính điện có diện tích 70m2, bộ nóc kiến tạo thành hai tầng, mỗi tầng bốn mái. Tầng trên thu nhỏ vút cao như một cổ lầu, trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi trang nghiêm. Dọc theo các bờ quyết của hai tầng máigắn kết các phù điêu đắp nổi như “tứ linh”, giao long và nhiều hoạ tiết hoa lá vừa thâm nghiêm, cổ kính nhưng cũng hết sức mềm mại, uyển chuyển.
Bộ khung chính điện được gắn kết với nhau theo lối “tứ trụ”, 4 cột gổ chính ở trung tâm vừa hợp lực nâng đỡ đỉnh nóc và cổ lầu bên trên, vừa liên kết giằng giữ lấy các vì cột con toả đều bốn hướng xung quanh, tạo nên một bộ khung vững chắc và cân đối. Ngoài các cột chính ở trung tâm được chạm khắc và tạo dáng độc đáo như chúng tôi đã mô tả, các bộ phận còn lại như kèo, trính con đội (cột trốn), … đều được trau chuốt, gờ cạnh công phu. Ở đây con đội được chăm chút khá tỉ mĩ, phần đế toả rộng có dáng dấp như mặt hổ phù, phần thân phình ra và phần đỉnh tóp tại như một chiếc bình cắm hoa.
Nội thất chính điện chứa đựng nhiều hiện vật cổ như: hoành phi, câu đối, bao lam, hương án, khám thờ được bài trí trang nghiêm. Tất cả những hiện vật ở nội thất ngoài chức năng thờ phụng còn có giá trị về lịch sử, văn hoá và điêu khắc, tạo hình. Những mảng điêu khắc gỗ với nhiều đề tài, hoạ tiết phong phú như “tứ linh”, thiên nhiên, muôn thú, hoa lá, … vừa thể hiện được chức năng tôn giáo, tín ngưỡng thiêng liêng, nhưng cũng hết sức gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Chính điện còn chứa đựng nhiều văn tự Hán cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn học dân gian, nội dung chủ yếu ca ngợi công lao, tài đức của Thầy Thím và những lời hay ý đẹp giáo dục nhân cách, đạo đức và thuần phong mỹ tục cho hậu thế. Đặc biệt, ở chính điện còn bảo lưu được những tư liệu quý giá ghi lại niên đại tu bổ Dinh chạm khắc trên thanh xà gồ, giúp cho các nhà nghiên cứu và những thế hệ đi sau có cơ sở xác định thời gian tạo dựng và tu bổ di tích này.
2. Nhà Võ ca: Nối liền với chính điện về phía trước, diện tích 81m2. Trong tổng thể chung, nhà võ ca còn bảo lưu được diện mạo ban đầu khá nguyên vẹn từ kết cấu bộ khung, tường vách cho đến vật liệu lợp và lát nền. Cũng như chính điện, nhà võ ca cũng được lắp ghép theo lối kiến trúc “tứ trụ”, các cột gỗ chính ở trung tâm cũng có công năng và được chạm khắc, tạo dáng tương tự các cột chính ở Chính điện. Các bộ phận cột, kèo, trính được gờ cạnh và tạo dáng thánh thót. Ở đây con đội được khắc hoạ theo dáng dấp con đội ở Chính điện, nhưng phần thân được thể hiện tỉ mỉ, sắc sảo hơn bởi những cánh hoa sen nở rộ mềm mại.
Bộ nóc nhà Võ ca có 4 mái  lợp ngói âm dương cổ. Đỉnh nóc trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” bằng sứ oai nghiêm. Trên các bờ quyết và hai bên đầu hồi được đắp nổi các phù điêu “tứ linh”, giao long và hoa lá thể hiện nét tôn nghiêm và hài hoà, uyển chuyển. Trên 4 bức tường phía trong và trước mặt tiền của nhà võ ca đắp nổi nhiều hoạ tiết trang trí nghệ thuật như rồng, phượng, thiên nhiên, hoa lá và các điển tích xưa mô tả lại sự tích Thầy Thím và cảnh lao động, sinh hoạt của các thế hệ cha ông ngày trước được thể hiện khá sinh động. Nội thất võ ca còn lưu giữ nhiều văn tự Hán cổ được chạm khắc trên thân các cột chính, trên các bức hoành có các nội dung giáo dục sâu sắc đối với hậu thế. Ở nhà Võ ca còn có một thanh xà, có ghi lại niên đại tu bổ chạm khắc bằng chữ Hán cổ.
Nhà Võ ca là nơi thực hiện các nghi thức lễ hội truyền thống hàng năm, nơi nhân dân và du khách đến dâng hương, hoa và tưởng nhớ đến công lao của Thầy Thím, ông bà tổ tiên đã dày công vun đắp mảnh đất này, để các thế hệ con cháu đi sau được yên vui và hạnh phúc.
3. Nhà tiền hiền: Ở bên tả, cách nhà Võ ca, diện tích 72m2. Nhà tiền hiền bị tháo dỡ và sụp đỗ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Về sau nhân dân đã tu bổ lại theo dáng dấp cũ, nhưng không nắm rõ nguyên tắc tu bổ di tích nên cũng mắc phải một số sai lệch nhỏ.
Nhà tiền hiền cũng được kiến tạo theo lối “tứ trụ” như Chính điện và Võ ca, các cột chính ở Tiền hiền cũng được chạm khắc và tạo dáng độc đáo theo dạng cột chính của Chính điện và Võ ca. Nội thất nhà Tiền hiền có ba khám thờ: Khám giữa thờ Tiền hiền của làng, hai bên tả hửu là hai khám thờ “Tứ thân phụ mẫu”. Các khám thờ đóng ghép khéo léo bằng gỗ, nội dung điêu khắc chạm trổ trên các khám được thể hiện khá tôn nghiêm qua hình tượng “tứ linh”, hoa lá, muông thú.
4. Cổng chính: Nằm trước mặt tiền của Dinh, đây là lối ra chính, chỉ mở vào cửa vào các dịp lễ hội trong năm. Cổng chính mới được tôn tạo lại năm 1994, được kiến tạo theo dạng cổng Tam quan, mẫu cũ của Dinh đúng theo vị trí này từ đầu thế kỷ XX. Cổng có 3 lối vào dạng cửa vòm trịnh trọng, lối giữa rộng 2,4m và kiến tạo thành hai tầng, tầng trên thu nhỏ vút cao, đỉnh nóc cao 1,6m; hai lối phụ hai bên rộng 1,4m. Đỉnh nóc cổng trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” oai phong, trên đỉnh nóc của hai lối phụ bài trí hai con rồng ngoảnh mặt nhìn về đỉnh nóc tôn nghiêm. Tất cả các góc máicủa hai tầng mái uốn cong như mũi thuyền được điểm xuyến các phù điêu giao long đắp nổi. Dọc trên các trụ cổng trang trí đắp nổi các hình tượng nghệ thuật uyển chuyển như rồng, giao long và các điển tích mô tả lại một phần truyền thuyết liên quan đến di tích. Cổng chính là một bộ phận kiến trúc nghệ thuật được tạo dựng công phu và hoàn mỹ, góp phần làm tăng thêm sự thâm niên, trang trọng của di tích.
5. Bình phong: Cách nhà Võ ca về phía trước 10m là một bức bình phong xây vôi vữa che chắn lấy mặt tiền của Dinh. Cả hai mặt của bình phong đắp nổi khéo léo các hình tượng rồng vờn mây và long mã được thể hiện sinh động. Ở hai bên tả hữu của bình phong đặt hai tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ trong tư thế ngồi xổm, đầu ngẩng cao nhìn về hướng chính điện, tượng trưng cho hai vệ sĩ của Thầy Thím mà truyền thuyết có đề cập đến.
Du khách đến viếng thăm Dinh sẽ cảm nhận được sự thanh thản, dễ chịu trước những kiến trúc mang tính đặc thù của địa phương, được nghe kể về sự tích Thầy Thím hấp dẫn, được tận mắt chứng kiến những hình tượng nghệ thuật sinh động gắn liền với truyền thuyết dân gian của địa phương. Giữa một môi trường trong sạch, một khung cảnh thiên nhiên hữu tình, đặc biệt là khi dạo chơi trong vườn Dinh với đủ loại hoa, cây cảnh xen giữa những cây dầu cổ thụ vút cao toả bóng rợp mát cả khuôn viên, du khách như được trút bỏ mọi ưu tư, phiền muộn của đời thường.
Lý thú và hấp dẫn hơn khi du khách dừng chân cắm trại trong các vạt rừng dầu, rừng tràm xung quanh Dinh, dạo sâu vào những cánh rừng già, vùng vẫy thoả thích giữa chốn không gian bao la, trước cảnh sắc nên thơ, những âm thanh huyền ảo vang vọng lại từ tiếng lay động của cành lá, tiếng chim hót líu lo, tiếng gọi nhau của loài dã thú sau một ngày đi kiếm ăn xa sẽ đưa lại cho du khách có cảm giác như đang dạo chơi giữa vườn tiên cõi Phật.
6 – Khu mộ Thầy Thím: Toạ lạc giữa khu rừng Bàu Thông, ở vị trí  cách Dinh khoảng 3km về phía Tây, cảnh mộ thanh vắng, hết sức trữ tình không thua kém cảnh Dinh. Vốn gắn liền với tình cảm, niềm tin và tín ngưỡng lâu đời của nhân dân và du khách gần xa, nên mỗi khi đến thăm Dinh, du khách không thể quên viếng mộ Thầy Thím, việc làm đó thể hiện truyền thống văn hoá tốt đẹp biểu trưng cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam. Từ Dinh, ngồi trên chiếc xe bò thô sơ xuyên qua cánh rừng dầu khoảng 3km về hướng Tây sẽ đưa du khách đến mộ Thầy Thím, du khách còn có thể đến mộ bằng phương tiện ôtô theo tỉnh lộ 709. Vào dịp lễ hội, con đường thanh vắng trở nên đông vui, nhộn nhịp khác thường. Khu mộ có bốn nấm mộ đắp bằng cát trắng vút cao thành hai hàng, theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ của Thầy Thím, hai mộ phía sau là mộ đôi Bạch – Hắc Hổ (vốn được coi là vệ sĩ, đệ tử của Thầy Thím). Từ năm 1988, Ban quản lý di tích đã xây dựng một bức tường thành bằng đá hình chữ nhật (cạnh 22m x 16,25m) bao bọc lấy khu mộ. Công trình Dinh thờ và mộ Thầy Thím là một quần thể kiến trúc nghệ thuật giá trị có sức thu hút du khách khi viếng thăm quê hương Tam Tân – La Gi.
Di tích lịch sử – văn hoá Dinh Thầy Thím trở thành nơi nghỉ mát, an dưỡng hấp dẫn có sức mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng ngày càng đông hơn. Một phần vì vẻ đẹp của Dinh, một phần gắn với niềm tin và cuộc sống tinh thần mà con người luôn hy vọng vào một sự linh ứng nào đó. Bên cạnh đó, là sự hấp dẫn của khung cảnh thiên nhiên, núi rừng, biển cả nơi đây. Sau những ngày du khách ngoạn cảnh Dinh và núi rừng, du khách sẽ không quên ghé thăm bãi biển Tam Tân để vùng vẩy, ngâm mình thoả  thích trong những con sóng bạc đầu, nằm phơi mình trên bãi cát trắng mịn màng, ngắm nhìn những rặng dừa xanh trải dài nối tiếp, thưởng thức những hương sắc mặn mà tình nghĩa của một vùng quê duyên hải trù phú và sôi động.
 
NHỮNG CÂU ĐỐI TÔN VINH CÔNG ĐỨC THẦY THÍM.
 
Đối với dân làng Tam Tân, Thầy Thím là vị thần có phép thuật cao siêu. Nhưng điều quý hơn, là bao giờ Thầy Thím cũng dùng phép thuật đó để giúp đỡ người nghèo khó. Họ có nhiều sáng tác như câu đối, thơ ca, hò vè,… để ca ngợi công đức Thầy Thím. Còn lưu giữ đến ngày nay là các liên đối chạm khắc trong Dinh Thầy Thím. Các di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian thường có liên đối trang trí và ghi công đức vị thần được thờ. Thường thì các câu đối ấy được khắc trên phiến gỗ, nhưng ở Dinh Thầy Thím các liên đối được chạm trực tiếp vào thân trụ, cho thấy sự quý trọng và đầu tư công phu hiếm thấy. Số câu đối được chạm khắc ở nhà tiền hiền, chính điện lên đến vài chục câu, xin giới thiệu một số câu tiêu biểu và tạm dịch nghĩa.
 
Câu đối nói về đức tài của Thầy Thím:
1.     “Pháp diệu tạo hình thành kiếm tướng
Đạo cao sái đậu luyện đao binh”
Tạm dịch:
“Phép giỏi tạo hình thành kiếm, tướng tài
Đạo cao gieo đậu ra binh, lính”
Câu đối này nhắc đến tích Thầy Thím có tài “Sái đậu thành binh”, tương truyền rằng lúc nào bên người thầy cũng có chiếc bầu, ấy là chiếc bầu dùng để “gieo đậu ra binh lính” để mưu việc lớn.
2. “Đạo đại hằng thâm cứu hộ sinh linh dương tráng sĩ
Sư tâm quảng đại trường phò thế giới đạt hương tiêu”
Tạm dịch:
“Đức độ sâu rộng cứu giúp dân chúng lâu dài
Tấm lòng quảng đại phù hộ thế giới”
Câu đối này ca ngợi Thầy Thím là người nghĩa hiệp, độ lượng, suốt cuộc đời luôn cứu giúp mọi sinh linh có thể là người hoặc cả muông thú. Đó là những người bệnh thiếu thuốc chữa, đó là ngư dân không có ghe đánh cá, hoặc là lão lái buôn biết ăn năn hối cải hay câu đối Bạch – Hắc Hổ biết quy phục con người.
 
3. “Đạo đại đức hoằng oai linh thùy tứ hải
Công cao vọng trọng danh hiển chốn cửu châu”
Tạm dịch:
“Đạo cao đức rộng oai linh vang bốn bể
Công danh cao cả lan rộng khắp chín châu”
Câu đối này cho thấy, dù Thầy Thím có ở mãi trong rừng sâu, không bao giờ kể về những việc mình đã làm, song, tiếng lành thì vẫn đồn xa, nó không chỉ bó hẹp trong làng Tam Tân, mà oai linh đó còn lan rộng khắp chín châu, bốn bể. Chính vì vậy mà triều đình biết tin nên đã xoá án và sắc phong cho Thầy Thím “Chí đức tiên sinh, Chí đức nương nương tôn thần”.
 
Câu đối nói về ngưỡng mộ Thầy thím:
1. “Vạn cổ anh linh thinh danh vang bắc địa
Thiên thu hiển hích công đức chấn nam thiên”
Tạm dịch:
“Từ ngàn xưa tiếng thơm của Thầy vang lừng đất Bắc
Ngàn năm sau công đức của Thầy còn chấn động trời Nam”
Câu đối này cho thấy oai linh và công đức của Thầy vượt ra mọi không gian đất Bắc, trời Nam mà còn vượt qua mọi thời gian ngàn năm trước, bây giờ và mãi mãi công đức đó vẫn còn lay động lòng người.
 
2.     “Bái hạ thiên hà chiêm mẫu trạch
Đường cao số nhận vọng sư ân”
 
 
Tạm dịch:
“Dân chúng ngàn năm chiêm ngưỡng ơn Thím
Nhà cao số đông vọng tưởng ơn Thầy”
Câu đối này nói rằng biết ơn, chiêm bái Thầy Thím không phải chỉ xuất hiện bây giờ, mà việc làm ấy đã có từ nhiều năm trước. Và việc thờ cúng này không phải của chỉ ít người mà của nhiều người. Đó là những người chịu ơn, những người kính trọng oai linh và cũng có khi đơn giản là những người cảm thấy đó là nghĩa cử mà họ cần phải nghiêng mình.
 
Câu đối ca ngợi tổ tiên:
1.  “Hoa địa chưởng xuất hồng anh quang tiền dũ hậu
Liên hồ phiêu thành cảnh sắc kế văn khai lai”
Tạm dịch:
“Đất này sản sinh anh hùng trước sau sáng chói
Hồ sen dệt nên cảnh đẹp nối tiếp mãi mãi”.
Câu đối này ngợi ca đất và người ở đây hài hoà. Từ lúc khai phá đến ngày nay, trong hoàn cảnh nào cũng sản sinh ra những anh hùng sáng ngời đạo đức, phẩm chất. Hoa vốn đã đẹp, càng thêm đẹp để xứng đáng với những anh hùng.
 
2.     “Tiền lịch tôn công khảo hội tu minh hoằng sáng thủy
                     Hiền tai tổ đức na thời tất lộ áo khai thiên”
 
Tạm dịch:
“Ông cha ta ngày trước có công chung sức sáng lập Dinh này
Tổ tiên xưa có công tạo dựng khai lập cảnh quan nơi đây”
 
Câu đối này ngợi ca các bậc tiền nhân đã có cặp mắt nhìn xa rộng trông rộng, khẩn hoang, lập ấp tạo một thế đứng để đủ điều kiện phát triển muôn đời sau. Bên cạnh đó, họ còn tạo lập một ngôi Dinh  thờ các vị thần, để con cháu biết hướng về  đạo lý. Vừa tạo dựng cơ ngơi về vật chất vừa chăm chút nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần; vừa tạo thế đứng hiện tại, vừa tạo gốc rễ cho tương lai, các bậc tiền nhân làng Tam Tân xứng đáng ngợi ca hơn thế nữa.
Như vậy, ở Dinh Thầy Thím hiện nay có hàng chục câu đối ca ngợi công đức Thầy Thím, các bậc tiền bối, ngưỡng mộ của nhân dân và sự cần thiết phải “lập Dinh này” để cho “số đông” có chỗ “chiêm mẫu trạch” và “vọng ân sư”. Những câu đối đó là một tài sản quý giá, phần lớn có niên đại vào nữa cuối thế kỷ XIX. Tùy theo vị trí từng nơi thờ mà nội dung thể hiện cho phù hợp. Lối dùng chữ ở trong từng cặp đối rất chuẩn và cụ thể, mang đậm các yếu tố văn hoá dân gian truyền thống. Nhờ vậy, qua nhiều đời các liên đối ấy vẫn được giữ gìn và bảo quản tốt. Mặt khác, cũng nhờ các liên đối được khắc vào thân trụ của di tích, vốn là các loài gỗ quý nên chúng không bị thất lạc hoặc hư hỏng.
 
Cũng như những di tích khác có cùng niên đại, các câu đối ở Dinh Thầy Thím đều được viết bằng chữ Hán, nên số người trực tiếp đọc và dịch rất hạn chế. Hiện nay, Ban quản lý di tích đang có kế hoạch dịch nghĩa tất cả các câu đối để du khách khi đến di tích, có thể tự mình tìm hiểu những giá trị văn hoá còn tiềm ẩn sau những câu đối ấy.
lễ hội dinh thầy thím

lễ hội dinh thầy thím


 
DINH THẦY THÍM VÀ HỘI TAM QUÝ
 
Khi nói đến sự hình thành và phát triển của Di tích lịch sử – văn hoá Dinh Thầy Thím, chúng ta không thể không nói đến Hội Tam Quý. Đây là một tổ chức gắn liền với Dinh Thầy Thím gần 130 năm kể từ khi Dinh được thành lập đến hôm nay.
Hội Tam Quý là tiền thân của Hội Dinh Thầy Thím ngày nay. Hội Tam Quý được dân làng Tam Tân thành lập. (Chữ Tam Quý là tên hợp nhất của ba làng: Tân Ngươn, Tân Quý và Tân Hoàng – nay là thôn Hiệp Tín, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).
Mục đích của Hội Tam Quý là: Hoạt động nhân đạo, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, noi gương và vinh danh Thầy Thím. Đồng thời, duy trì, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Và, hơn hết là phát huy lòng ngưỡng mộ, tôn kính Thầy Thím, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của khu Di tích Thầy Thím.
Bộ máy tổ chức của Hội Tam Quý rất chặt chẽ và khoa học. Hội viên là những công dân từ 18 đến 60 tuổi, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, am hiểu và tán thành Điều lệ Hội, có lòng ngưỡng mộ công đức Thầy Thím, có đạo đức tác phong tốt, tự nguyện tham gia và đều được xét kết nạp vào Hội.
Tổ chức của Hội Tam Quý trước đây nay là Hội Dinh Thầy Thím được cơ cấu như sau: Hội viên, các tổ chức Chi hội, Ban quản lý. Trong Ban quản lý còn có các Tiểu ban chuyên trách công việc: Tế lễ, từ thiện, tài chính, hậu cần, kiểm tra. Qua các thời kỳ, tên gọi của tổ chức có khác nhau như: Hội Tam Quý, Hội Dinh Thầy Thím, Ban Trị sự, Ban quản lý. Nhưng mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ chính vẫn giống nhau.
Nhiệm kỳ của Ban quản lý là 05 năm (trước đây là 02 năm). Ban quản lý được Đại hội đại biểu Hội viên bầu theo hình thức phổ thông, bầu phiếu kín và được cấp chính quyền ra quyết định công nhận. Số lượng thành viên Ban quản lý do tập thể Đại hội Hội viên quyết định tùy từng nhiệm kỳ. Nhiệm vụ của Ban quản lý là lãnh đạo Hội viên, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội viên, xây dựng phát triển Hội, bảo tồn, phát triển khu Di tích Dinh Thầy Thím, chịu sự lãnh đạo của chính quyền và giữ mối quan hệ với các cấp và các cơ quan đơn vị hữu quan. Ban quản lý gồm có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban và các thành viên.
Dưới Ban quản lý, có tổ chức các Chi hội. Dựa vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương và số lượng Hội viên thì hình thành tổ chức Chi hội. Ban Chi Hội gồm có 03 thành viên (có 01 Chi hội Trưởng, Chi hội Phó và Thư ký). Các Ban Chi hội do Hội viên tại Chi hội trực tiếp bầu ra. Đến hôm nay (2007), Hội Dinh có 07 Chi hội với gần 300 hội viên.
Ban quản lý cũng như các tổ chức Chi hội có nhiệm vụ hướng dẫn, sinh hoạt hội viên, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, vận động Hội viên noi gương Thầy Thím, phát huy lòng nhân ái, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, và xây dựng phát triển Hội, bảo tồn, phát triển di tích Dinh Thầy.
Nguồn thu, nguồn tài chính được quản lý chặt chẽ, công khai, dân chủ. Tất cả các khoản thu, chi đều được công khai và sử dụng một cách hợp lý, đúng mục đích. Cùng với việc tu sửa, nâng cấp mở rộng di tích Dinh Thầy, nguồn kinh phí của Dinh còn phục vụ cho công tác từ thiện, đóng góp xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo, xây dựng quỹ an ninh quốc phòng, giúp học sinh nghèo hiếu học, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, tu sửa Trường học, Bệnh xá và giúp đỡ người nghèo khổ, đồng bào bị thiên tai…
Đến hôm nay, khu di tích Dinh Thầy Thím trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Di tích Thầy Thím được công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. Hàng năm, Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành một trong năm lễ hội văn hoá – du lịch của tỉnh Bình Thuận. Và, là một trong những lễ hội lớn ở phía Nam đất nước.
Có được như thế là nhờ sự đóng góp của khách thập phương, của những tấm lòng hướng về lối sống đạo đức tốt đẹp, lòng tôn kính, tin tưởng vào sự linh thiêng của Thầy Thím.
Nhưng, trước hết, phải nói đến trí tuệ, tình cảm, công sức của tập thể hội viên Dinh Thầy, mà linh hồn là sự chỉ đạo, quản lý, đóng góp của những người trong Ban quản lý (Hội chức), những người trong tổ chức các Chi hội. Gần 130 năm – dòng chảy thời gian dài, thật dài. Qua những biến thiên của lịch sử, ảnh hưởng của chiến tranh. Sự lưu trữ hồ sơ, văn bản không đầy đủ. Có người còn sống, có người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhớ, nhớ – quên, quên… không đầy đủ… khi nói về những người có công xây dựng Dinh Thầy. Chuyện người thật, việc thật, nhưng sao khi nghe kể, tưởng chừng như chuyện cổ tích. Trong tập sách này, chúng tôi cũng không thể nào nêu một cách đầy đủ tên, tuổi của những người đã đóng góp trí tuệ, công sức vào công cuộc chấn hưng di tích Thầy Thím, một di tích văn hoá – lịch sử. Thật là thiếu sót biết bao !…